Xử lý chất thải nguy hại

        Đầu tiên trước khi nói xử lý chất thải nguy hại (CTNH) thì chúng ta cần hiểu rõ CTNH là gì, phân loại chúng ra sao, các phương pháp chính được áp dụng xử lý chúng.

        Vậy CTNH là gì? Khái niệm CTNH xuất hiện từ những năm 1970 và mỗi  nơi có một  cách hiểu, nhưng có lẽ hiểu đơn giản nhất thì đó là chất hoặc hỗn hợp, hoặc chứa thành phần có thể gây hại trực tiếp, hoặc gián tiếp phản ứng với các chất khác gây các nguy hại đến môi trường và sức khỏe của con người. Đôi khi người ta còn so sánh chúng với “ngưỡng CTNH” theo QCVN 07/2009/BTNMT để đánh giá.

      Họ thường phân loại CTNH theo trạng thái, theo tính chất, theo nguồn gốc xuất phát. CTNH có các trạng thái tồn tại chính ở 3 thể, rắn, lỏng, bùn. Nó có thể ở dạng đơn chất hay hỗn hợp cùng với chất khác và ẩn chứa các tính chất gây hại như dễ cháy, dễ nổ, lây nhiễm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái… Theo TT36/2015/TT-BTNMT thì CTNH được phân chia thành 19 nhóm, dựa theo nguồn gốc phát sinh, cụ thể:

  1. Chất thải từ ngành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí và than
  2. Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng và sử dụng hoá chất vô cơ
  3. Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng và sử dụng hoá chất hữu cơ
  4. Chất thải từ nhà máy nhiệt điện và các cơ sở đốt khác
  5. Chất thải từ ngành luyện kim và đúc kim loại
  6. Chất thải từ ngành sản xuất vật liệu xây dựng và thuỷ tinh
  7. Chất thải từ quá trình xử lý, che phủ bề mặt, gia công kim loại và các vật liệu khác
  8. Chất thải từ quá trình sản xuất, điều chế, cung ứng, sử dụng các sản phẩm che phủ (sơn, véc ni, men thuỷ tinh), chất kết dính, chất bịt kín và mực in
  9. Chất thải từ ngành chế biến gỗ, sản xuất các sản phẩm gỗ, giấy và bột giấy
  10.  Chất thải từ ngành chế biến da, lông và dệt nhuộm
  11. Chất thải xây dựng và phá dỡ (bao gồm cả đất đào từ các khu vực bị ô nhiễm)
  12. Chất thải từ các cơ sở tái chế, xử lý chất thải, nước thải và xử lý nước cấp
  13. Chất thải từ ngành y tế và thú y (trừ chất thải sinh hoạt từ ngành này)
  14. Chất thải từ ngành nông nghiệp
  15. Thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã hết hạn sử dụng và chất thải từ hoạt động phá dỡ, bảo dưỡng thiết bị, phương tiện giao thông vận tải
  16. Chất thải hộ gia đình và chất thải sinh hoạt từ các nguồn khác
  17. Dầu thải, chất thải từ nhiên liệu lỏng, chất thải dung môi hữu cơ, môi chất lạnh và chất đẩy (propellant)
  18. Các loại chất thải bao bì, chất hấp thụ, giẻ lau, vật liệu lọc và vải bảo vệ
  19. Các loại chất thải khác

          Mã CTNH được BTNMT quy định là một số gồm 6 chữ số, ví dụ 010405. Hai chữ số đàu tiên 01 được hiểu là chất thải này thuộc nhóm 01 Chất thải từ ngành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, dầu khí và than. Hai  chữ số tiếp theo 04 là để phân biệt chất thải này từ quá trình lọc dầu. Hai chữ số cuối 05 là để thông báo, đây là loại CTNH phát sinh từ quá trình bảo dưỡng cơ sở, máy móc, thiết bị.

       Vậy xử lý CTNH là gì? Là bằng các biện pháp hóa học, lý học, cơ học hay nhiệt học loại bỏ các độc tố, các nhân tố hay thành phần nguy hại từ CTNH đó. Nguyên tắc chung của xử lý CTNH là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ưu tiên đồng xử lý- tái sử dụng, tái chế chất thải, xử lý chất thải, tiêu hủy. Riêng chôn lấp chất thải là biện pháp xử lý cuối cùng khi các biện pháp xử lý không có tính khả thi.

       Trước những lý thuyết trên, Công ty cổ phần môi trường Việt Thảo cũng lựa chọn đầu tư các loại hình công nghệ mang tính chất đồng xử lý, hỗ trợ nhau để giảm thiểu phát sinh về chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường.

  1. Nhóm chất thải nguy hại (CTNH) xử lý bằng phương pháp tái chế trong hệ thống tái chế dầu thải.
  2. Nhóm chất thải nguy hại (CTNH) xử lý bằng phương pháp sơ chế ắc quy thải.
  3. Nhóm chất thải nguy hại (CTNH) xử lý bằng phương pháp súc rửa bao bì, thùng phuy.
  4. Nhóm chất thải nguy hại (CTNH) xử lý bằng phương pháp sơ chế, nghiền, hóa rắn bóng đèn huỳnh quang, kính hay thủy tinh hoạt tính thải.
  5. Nhóm chất thải nguy hại (CTNH) xử lý bằng phương pháp tiêu hủy trong lò đốt CTNH.

        Ví dụ cụ thể ở đây, chất thải từ quá trình tái chế dầu như cặn dầu, giẻ lau dính dầu sẽ được chuyển đến tiêu hủy tại Lò đốt CTNH…..Việc đồng xử lý này thật sự an toàn, không gây ảnh hưởng đến môi trường, lại tiết kiệm cho doanh nghiệp.

         Công ty cổ phần môi trường Việt Thảo rất tự hào là một trong đơn vị xử lý chất thải đầu tiên ở khu vực các tỉnh miền Trung. Sự có mặt của Công ty Việt Thảo đã giải phóng được một phần nhu cầu rất lớn của xã hội về xử lý chất thải. Trong tương lai, Công ty cổ phần môi trường Việt Thảo sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục công nghệ môi trường phù hợp, góp pần chung tay cùng cả xã hội xây dựng xã hội xanh – sạch- đẹp.

           Chúng tôi tin tưởng và hy vọng rằng, mình sẽ mang lại cho các doanh nghiệp một dịch vụ chu đáo, tin cậy!

Biên soạn: NTG1102