BÃO YAGI 2024

Mặc dù bão Yagi tạm coi như đã tan, giờ chỉ là tàn dư và hệ luỵ kéo theo nhưng nhìn những gì mà cơn bão để lại chúng ta không khỏi đau lòng, bàng hoàng và xót thương. Người chết, cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, giao thông và liên lạc đứt gãy, gián đoạn, nhiều vùng đất đá sạt lở chôn vùi nhà cửa….chỉ có dùng những cụm từ “nặng” để miêu tả- kinh hoàng- khủng khiếp!

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão mang tên quốc tế Yagi- tiếng Nhật là Con Dê- là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên khu vực biển Đông. Cơn bão Yagi, còn được gọi là bão số 3 ở Việt Nam được hình thành từ ngày 30 tháng  8 năm 2024. Ban đầu nó chỉ là một áp thấp nhiệt đới nhưng sau đó phát triển thành một cơn bão nhiệt đới mạnh, với tốc độ gió tối đa có thể đạt tới cấp 13, giật cấp 16 khi di chuyển vào khu vực Biển Đông. Nó có sức phá huỷ kinh hoàng nhờ 3 yếu tố là cường độ quá mạnh, thời gian quần thảo đất liền lâu và vùng đổ bộ dịch xuống phía nam, nơi có địa hình bằng phẳng và đông dân cư. Có thêm một sự trùng lặp nữa là đã 3 lần từ khi sử sách ghi chép lại, cứ sau chu kỳ 60 năm vào năm Thìn thì nước ta lại hứng chịu một sơn bão khủng khiếp. Đó là vào các năm 1904, 1964 và bây giờ 2024.

Cơn bão Yagi trong 24 giờ tăng 8 cấp. Như thường lệ các cơn bão khi đi qua đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ sẽ suy giảm cường độ, yếu dần chuyển thành áp thấp nhiệt đới, nhưng cơn bão này cường độ không giảm nhanh. Tại thời điểm bão gần bờ biển  các tỉnh Quảng Ninh – Hải Phòng thì như ghi nhận nó có cường độ cấp 12-16. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài tới 12 giờ.

Hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất là hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, nơi tâm bão càn quét quá. Các cơ sở hạ tầng công cộng như cột điện, cột cờ, khu vui chơi giải trí,  những toà kiến trúc mang tính biểu tượng như thư viện Tỉnh, khách sạn cao tầng bị tàn phá tới mức tang thương. Cây cối đổ la liệt làm ách tắc giao thông, chặn đường cứu nạn và làm tê liệt, làm đứt các hệ thống liên lạc của các nhà mạng Vinaphone, Moblphone và Viettel. Rất nhiều nhà dân, thuyền bè bị bão thổi tung, nhận chìm.

Nằm trên đường di chuyển cơn bão với tốc độ khủng khiếp cũng càn quét Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định Thanh Hoá. Tại Hà Nội cơn  gió mạnh đã làm thổi tung nhiều nóc nhà, biển hiệu, cây cối cũng bị quật đổ, ngả nghiêng, la liệt. Tối ngày 7/9, khoảng thời gian từ 18g tối đến 23g đêm- đây là khoảng thời gian kinh hoàng nhất khi gió rít từng cơn, các mái tôn như chờ có dịp để rên xiết, rung lắc, tung bay. Rất nhiều nhà đã bị nước chảy ồ ạt vào nhà, nhiều nơi mất điện vì trạm biến áp bị ngập nước. Sức tàn phán của bão Yagi là không tưởng tượng nổi, hệt như ngày tận thế!

Hiện thì các tỉnh phía Tây Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La… cũng đang nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão, sức gió cấp 8-9. Mưa lớn do hoàn lưu bão khiến các địa phương này hai ngày qua bị sạt lở. Đất đá đã vùi lấp nhiều hộ dân trong đêm gây những tổn thất vô vùng to lớn về người về của. Cơ quan khí tượng dự báo trong khoảng 1-2 ngày tới ở khu vực Tây Bắc vẫn có mưa to đến rất to, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lũ ống, lũ quét sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khu vực trong vùng cảnh báo “tím”- mức rủi ro cấp 5, mức thảm hoạ. .

Ngoài thiệt hại về người còn phải kể đến thiệt hại của ngành nông nghiệp. Theo ghi nhận thì hầu hết các địa phương mà bão đi qua đều có những thiệt hại trên diện rộng hoa mà bị ngập nước, cây ăn quả bị hư hại. Cho tới thời điểm này thì cơ quan chức năng ghi nhận 24 người tử vong do bão Yagi, trong đó 12 người bị sạt lở vùi lấp, 3 người bị lũ cuốn, còn lại do bão.

Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống như đóng cửa các sân bay tại miền Bắc, cảnh bảo và sơ tán người dân ở các vùng nguy cơ cao để đảm bảo an toàn tính mạng, ổn định công tác thông tin, truyền thông, chuẩn bị kỹ các phương tiện, công cụ và nhân sự tham gia ứng cứu. Chinh phủ cũng đã lập các tổ công tác đến tận nơi bão gây ảnh hưởng để kiểm tra, chỉ đạo với tinh thần lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều hơn.

Những hình ảnh đẹp về tình người trong lúc hoạn nạn đã được các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đăng tải. Cụ thể có những xe ô tô đi chậm, áp sát các xe máy nhằm ngăn, chặn gió cho xe máy qua cầu, qua ngã tư. Chúng ta cũng không hiếm bắt gặp cảnh các chiến sĩ CSGT cùng các chiến sĩ bộ đội thầm lặng đi thu gọn, cắt dọn cây xanh bị nghiêng đổ, giải phóng giao thông!.

Đã có rất  nhiều bài và ảnh ghi lại hậu quả tàn khốc này, xin liệt kê vài hình ảnh mang tính chất khu vực (TX Hà Đông- Hà Nội) để mọi người hình dung.

                                     Nguồn: Innternet – Biên soạn: Trường Giang